( Dịch thuật PERSOTRANS ) Những ngày qua, dịch thuật văn học được nhắc đến nhiều qua các cuộc hội thảo về dịch thuật, các hoạt động giao lưu văn học Nhật, văn học Hàn tổ chức tại Hà Nội và TPHCM. Dịch thuật văn học rất quan trọng đối với sự giao lưu văn học, nhưng đến nay, công tác này vẫn còn manh mún, mang tính cá nhân mà thiếu sự kết nối, tổ chức một cách quy mô và bài bản.

Dịch giả và những tự sự với nghề dịch thuật

Tại hội thảo về dịch thuật vừa được tổ chức tại Hà Nội, một ví dụ về dịch thuật đã được nêu ra, đó là trường hợp cuốn tiểu thuyết Phong nhũ phì đồn của nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) khi được chuyển ngữ sang tiếng Pháp được dịch giả Noel Dutrait dịch thành Ngực đẹp mông đẹp. Tại Việt Nam, dịch giả Trần Đình Hiến dịch thành Báu vật của đời. Đây là một điển hình về vấn đề ảnh hưởng văn hóa đến dịch thuật, tựa dịch tiếng Pháp gần với bản gốc và phù hợp với văn hóa của người Pháp nhưng rõ ràng nếu dịch như vậy ở Việt Nam chưa bàn đến chuyện tác phẩm có được chấp nhận xuất bản hay không thì với người Việt, cái tên sách như vậy được xếp vào dạng phản cảm. Cách dịch của dịch giả Trần Đình Hiến vì thế được xem là vừa trang nhã vừa chuyển tải được cái ý của tác giả và quan trọng nhất là phù hợp với văn hóa của người Việt.

Tác phẩm Bên phía nhà Swann – bản dịch của Việt Nam.

Có một dịch giả nổi tiếng từng nhận xét, dịch giả được xem là một trong những nhân tố bị đối xử “bạc bẽo” nhất trong văn học. Tác phẩm dịch hay thì bạn đọc nhớ đến tác giả gốc, tác phẩm dở thì quy tội cho dịch giả, nhất là trong trường hợp tác giả gốc là một người nổi tiếng.

Dịch thuật vốn cũng được xem là một dạng sáng tác, thế nhưng so với các dạng sáng tác khác chịu nhiều đánh giá vềmặt cảm tính. Lấy ví dụ như cuộc tranh cãi về bản dịch tác phẩm Lolita từng được xem là cuộc tranh luận về dịch thuật lớn trong những năm gần đây. Chỉ một chi tiết dấu ba chấm trong trang đầu của tác phẩm đã đủ gây ra rất nhiều tranh luận trái chiều. Cho đến nay, các tranh luận này vẫn chưa kết thúc, phía ủng hộ tôn vinh bản dịch là xuất sắc và trao giải thưởng dịch thuật cho bản dịch. Phía phản đối phê phán bản dịch và tự mình triển khai một dự án dịch mới nhằm dịch lại tác phẩm.

Cũng chính vì cảm tính nên nhiều trường hợp bản dịch đã được bạn đọc ưng ý, quen thuộc thì không cho phép sự thay đổi. Tiêu biểu như trường hợp tác phẩm Cuốn theo chiều gió, sau này có một dịch giả khác dịch lại với nhan đề  Theo gió cuốn đi. Bản dịch sau lập tức bị phê phán kịch liệt đến mức bị buộc phải loại bỏ khỏi các quầy sách. Và vì thế, khi mua bản quyền và tái bản lại cuốn sách kỹ năng Quẳng gánh lo đi mà vui sống nổi tiếng thế giới, đơn vị làm sách đã phải liên hệ gia đình cố dịch giả Nguyễn Hiến Lê để mua lại bản quyền sử dụng tên của cuốn sách do dịch giả sáng tác dù khi đó việc dịch sách vốn dĩ là không có bản quyền.

Nâng cao chất lượng dịch thuật – Điều kiện cần trong sự phát triển của văn học dịch

Khi được hỏi về những vấn đề tranh luận trong dịch thuật ở Pháp, dịch giả Noel Dutrait cho biết: “Ở Pháp, các vấn đề của dịch thuật cũng không khác gì ở Việt Nam và dịch giả cũng hay tranh cãi, tranh luận về những vấn đề này. Tuy nhiên, những tranh luận, tranh cãi này chỉ giới hạn riêng trong giới dịch thuật thông qua các hoạt động bàn tròn và không lan rộng ra xã hội”. Điều này giúp tránh được những vấn đề như đã xảy ra ở Việt Nam khi các tranh luận chuyên môn lại lan rộng đến những người ngoài chuyên môn gây hỗn loạn về mặt đánh giá, thông tin. Cũng theo Dutrait, cách làm này góp phần nâng cao chất lượng bản dịch do sau các cuộc tranh luận, các dịch giả sẽ hợp sức dịch lại và sau mỗi bản dịch chất lượng càng tốt hơn.

Trong khi đó, do thiếu một tổ chức dành cho các dịch giả nên ở Việt Nam, những sinh hoạt dịch thuật còn rất thiếu và từ đó đã góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng bản dịch. Như nhiều trường hợp, tác giả bản dịch được xuất bản cương quyết bảo vệ đứa con tinh thần của mình trước các lời phê phán của dịch giả khác khiến đơn vị làm sách cũng lâm vào khó khăn do không biết ai đúng, ai sai và kết quả bản dịch ít được cải tiến, nâng cao.

Trong cuộc gặp gỡ, giao lưu văn học Việt Hàn vừa qua, PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH-NV TPHCM cho rằng: “Một TP lớn như TPHCM mà không có hội đồng dịch thuật là điều hơi bất thường”. Không chỉ để giới dịch giả có nơi, có tổ chức để tranh luận mà còn hỗ trợ dịch thuật và xuất bản các tác phẩm dịch, góp phần xây dựng các hoạt động giao lưu văn học, đào tạo, phát triển hệ thống thư viện… Đặc biệt là việc hỗ trợ công việc xuất khẩu văn học với các dịch thuật mang tính chính thức, khắc phục tình trạng dịch sách để giới thiệu ra nước ngoài vẫn mang tính cá nhân nhỏ lẻ như hiện nay.

Tại Hàn Quốc, từ năm 2001 đã có Viện Dịch thuật văn học và đến nay viện này đã hỗ trợ dịch thuật hơn 800 tác phẩm và xuất khẩu đến 30 quốc gia trên thế giới.

0978689030